Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn khi vào giấc, duy trì giấc ngủ hoặc có thể hoàn toàn không chịu đi ngủ.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tới 70% trẻ em bị tăng động giảm chú ý (ADHD) gặp một số vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Tuy chưa có nguyên nhân chính xác gây khó ngủ ở trẻ bị ADHD, nhưng có thể có liên quan đến việc sử dụng thuốc điều trị, lo lắng, hoặc sản xuất melatonin thấp hơn (loại hormone giúp duy trì giấc ngủ)…
Khó ngủ ở trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, bao gồm:
- Từ chối đi ngủ: Cha mẹ thường gặp khó khăn khi con từ chối đi ngủ và liên tục chạy khỏi phòng.
- Lo lắng trước khi đi ngủ: Trẻ có thể gặp căng thẳng khi lo lắng về việc ngủ một mình hoặc sợ bóng tối. Ngoài ra, chúng cũng có thể không ngừng suy nghĩ về các vấn đề trong ngày.
- Mất ngủ: Trẻ không thể ngủ, ngủ không sâu hoặc kết hợp cả hai. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường dậy sớm hơn và gặp vấn đề mất ngủ thường xuyên hơn ở tuổi vị thành niên hơn là ở trẻ nhỏ.
- Giấc ngủ bị trì hoãn: Trẻ thức khuya và ngủ muộn. Tình trạng này cũng thường gặp hơn ở tuổi vị thành niên bị ADHD.
- Thói quen ngủ đặc biệt: Trẻ đôi khi cần một món đồ chơi cụ thể hoặc có thói quen đặc biệt để vào giấc ngủ, như xem TV hoặc cần cha mẹ ngồi trong phòng. Nếu mất đồ chơi, chúng có thể tỉnh giấc.
- Ngưng thở khi ngủ và ngáy: Cả hai vấn đề này liên quan đến vấn đề hô hấp trong giấc ngủ. Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn và tạm thời ngừng thở, làm gián đoạn giấc ngủ.
- Hội chứng chân không yên: Tình trạng này khiến chân của trẻ cảm thấy không thoải mái. Để giảm cảm giác này, chúng thường chuyển động chân trong khi ngủ.
Ngủ thiếu giấc có thể làm cho các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ tồi tệ hơn, ví dụ như tăng động, giảm sự chú ý, khó xử lý thông tin, khó tập trung. Ngoài ra, việc thiếu ngủ cũng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ. Những trẻ bị tăng động giảm chú ý không có giấc ngủ đủ có thể nghỉ học nhiều vì không thể dậy sớm vào buổi sáng. Việc ngủ kém cũng có thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề khác như trầm cảm, lo lắng và béo phì…
Có một số cách giúp trẻ mắc tăng động giảm chú ý có giấc ngủ tốt hơn, bao gồm:
- Duy trì thói quen ngủ: Duy trì sự nhất quán trong các hoạt động trước khi đi ngủ trong khoảng một hoặc hai giờ. Cố gắng giữ nguyên trật tự các thói quen như tắm, mặc đồ ngủ, đánh răng, đọc sách, nghe nhạc nhẹ, và tắt đèn…
- Tắt các thiết bị điện tử: Tắt tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, và máy tính ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Hướng trẻ vào các hoạt động thư giãn như đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ để dễ dàng vào giấc ngủ.
- Hạn chế caffeine: Hạn chế việc cho trẻ uống các đồ uống có chứa caffeine như nước ngọt, trà và cà phê vào buổi chiều và tối.
- Cho trẻ vận động vào ban ngày: Tập thể dục vào ban ngày có thể giúp trẻ dễ dàng vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn vào ban đêm.