Bà Bạch Lan thức trọn ba ngày không ngủ, khó thở, bủn rủn, được người nhà đưa đi cấp cứu, nguyên nhân do ảnh hưởng tâm lý vì chuyện gia đình, dịch bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vừa tiếp nhận bà Bạch Lan, 58 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM. Bà được người thân đưa đi bệnh viện trong tình trạng mất ngủ kéo dài, đặc biệt lần này thức trắng đêm suốt ba ngày liền.
Ths.BS Phan Thị Ngọc Lời (chuyên khoa Nội thần kinh) chia sẻ, người bệnh nhập viện cấp cứu trong tình trạng vẫn tỉnh táo nhưng than phiền rất khó thở, người mệt, cảm giác toàn thân không có sức, ngủ kém, chán ăn. Tâm lý của bệnh nhân có phần hoảng hốt, khuôn mặt thể hiện rõ khí sắc âu lo, biểu hiện kéo dài 6 tháng qua và ngày càng nặng dần. Sau khi tư vấn cho bà Lan, bác sĩ kiểm tra các xét nghiệm, thăm dò chức năng và hình ảnh học gồm chụp phim phổi, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim, xét nghiệm máu tổng quát… để xác định nguyên nhân.
Kết quả khám lâm sàng tim và phổi của bà Lan không ghi nhận bất thường. Các chỉ định kiểm tra về xét nghiệm máu, thăm dò chức năng, hình ảnh học đều trong giới hạn bình thường. Lúc này, bác sĩ nghĩ bà Lan mắc bệnh căn nguyên từ tâm lý.
Sau khi được động viên và điều trị ổn định tinh thần, bà Lan cho biết, khi nhận quyết định về hưu và sau đó không lâu là lúc TP HCM vào những ngày dịch bệnh căng thẳng nên bà bắt đầu lo lắng, ăn uống kém, sinh hoạt đảo lộn cùng với lo toan gánh nặng tài chính… Trong lúc đang hụt hẫng, gia đình bà lại có chuyện buồn khiến tình trạng nặng nề hơn.
Người thân của bệnh nhân cho biết thêm, ngoài hụt hẫng sau khi nghỉ hưu thì chị gái của bà Lan phát hiện ung thư giai đoạn cuối và trở nặng khiến tần suất mất ngủ của bà nhiều hơn. Trong vài tháng, bà Lan sụt 5 kg.
Người bệnh được tư vấn nguyên nhân bệnh do “tâm bệnh”, cần thay đổi lối sống, suy nghĩ tích cực, tăng cường tập thể dục, nâng cao tinh thần, đồng thời sử dụng thuốc giảm lo âu. Sau khi điều trị, bà bắt đầu có cảm giác ăn ngon, dễ chợp mắt hơn và được hẹn tái khám sau 2 tuần.
Theo Ths.BS Phan Thị Ngọc Lời, bà Lan chỉ là một trong số những người bệnh rối loạn lo âu, rối loạn hoảng loạn, trầm cảm được khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận điều trị trong thời gian qua. Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 kéo dài, khoa Cấp Cứu tiếp nhận nhiều ca bệnh nguyên nhân do ảnh hưởng công việc, dịch bệnh, chuyện buồn gia đình…
Người bị rối loạn lo âu không ý thức được bản thân mắc bệnh, từ triệu chứng nhẹ ban đầu đến lo lắng quá mức nhiều sự kiện, hoạt động. Sự lo âu dần khó kiểm soát, kết hợp các triệu chứng cơ thể như căng thẳng cơ, bực tức, khó ngủ, bứt rứt, gây khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến đời sống. Lâu dần họ có thể không có khả năng xử lý công việc, thậm chí rơi vào trầm cảm, có ý nghĩ tự sát…
Bác sĩ Lời khuyên, người bị rối loạn lo âu nên được điều trị sớm. Nếu không được điều trị kịp thời thì những tác động từ rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ gia đình, xã hội, sức khỏe cơ thể của người bệnh và giảm chất lượng cuộc sống.