Câu hỏi:

Hai tháng gần đây tôi thấy khó thở vào ban đêm, ngáy to, nhất là khi nằm ngửa, nằm nghiêng thấy biểu hiện có bớt, tỉnh giấc 3-4 lần mỗi đêm. Xin tư vấn giúp tôi mắc bệnh gì, có cần đi khám không, nên khám chuyên khoa nào?

Trả lời:

Chào bạn,

Nhiều người gặp phải hiện tượng khó thở, ngáy to khi ngủ. Tuy nhiên, phần lớn mọi người cho rằng đây chỉ là thói quen hoặc do cơ thể mệt mỏi nhiều vào ban ngày nên dẫn tới ngủ không ngon giấc. Vây nhưng các tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh hô hấp dưới đây.

  • Triệu chứng ho, khó thở thường xảy ra vào ban đêm có thể liên quan đến bệnh hen phế quản. Trong tình huống điển hình người bệnh có biểu hiện như nặng ngực, ho, thở khò khè, thở rít, khó thở…
  • Nhóm người có biểu hiện ngủ ngáy to khi nằm ngửa, bớt khi nằm nghiêng, hay tỉnh giấc vì ho, khó thở, ngủ không sâu giấc có thể do ngưng thở khi ngủ.

Hen suyễn và ngưng thở khi ngủ là hai bệnh hô hấp mạn tính thường song hành với nhau gây ra những ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Ngưng thở khi ngủ làm nặng hơn bệnh hen phế quản. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm thì cả hai bệnh đều có thể được kiểm soát tốt.

Theo cấu trúc sinh học, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giảm trương lực cơ, giãn ra, gây xẹp đường thở, kích thước đường thở hẹp một phần hoặc hoàn toàn khi chúng ta ngủ. Trường hợp đi kèm với bất thường về giải phẫu như mô thành sau họng quá lớn, lệch vách ngăn mũi, amidan quá phát… gây tắc nghẽn đường thở hoặc do vấn đề ở não khiến tín hiệu điều khiển cơ hô hấp của người bệnh khi ngủ rối loạn. Hậu quả là không khí đi qua vùng nghẽn hạn chế, dẫn đến giảm oxy trong máu khiến người bệnh thức giấc vì khó thở.

Nếu dấu hiệu khó thở, ngáy to kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Hô hấp khám.

Để chẩn đoán bệnh ngưng thở khi ngủ, bác sĩ cần thêm thông tin về triệu chứng ban ngày, ban đêm, cân đo chiều cao, tình trạng thừa cân béo phì, khám và đánh giá đường thở, tai mũi họng. Bác sĩ cần khai thác thêm thông tin về tiền sử gia đình, tiền sử bản thân liên quan đến cơ địa dị ứng, viêm mũi dị ứng, xét nghiệm đo chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi… mới đủ để kết luận nguy cơ mắc hen phế quản cho bạn.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận