Theo thông tin từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, rối loạn nhịp sinh học có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: mất ngủ, buồn ngủ quá mức ban ngày, cảm giác mệt mỏi và kiệt sức, khó thức dậy vào buổi sáng, trầm cảm, khó chịu, rối loạn tâm trạng, giảm khả năng tập trung và tỉnh táo.
Dưới đây là 5 loại rối loạn nhịp sinh học ảnh hưởng đến giấc ngủ:
- Rối loạn giai đoạn ngủ – thức nâng cao (ASWPD): Người mắc rối loạn này thường gặp khó tỉnh táo vào buổi tối và thức dậy quá sớm vào buổi sáng. Họ thường cảm thấy buồn ngủ vào khoảng từ 18h đến 21h và tỉnh dậy lúc 2-5h. ASWPD có thể làm lãng phí thời gian trong ngày, gây buồn ngủ vào buổi tối, ảnh hưởng đến công việc và học tập. Đây thường là một rối loạn di truyền và thường xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên.
- Rối loạn giai đoạn ngủ – thức bị trì hoãn (DSWPD): Người mắc rối loạn này thường khó ngủ vào ban đêm và dậy muộn vào buổi sáng. Đây là một trong những loại rối loạn giấc ngủ theo nhịp sinh học phổ biến nhất, thường xảy ra ở thanh thiếu niên và người có thói quen thức khuya. DSWPD có thể gây cảm giác buồn ngủ muộn hơn so với bình thường.
- Rối loạn nhịp ngủ – thức không đều (ISWRD): Trong trường hợp này, người bệnh có thể buồn ngủ và ngủ vào nhiều khoảng thời gian ngắn trong ngày, không có chu kỳ ngủ – thức cố định. Đây là một loại rối loạn ít phổ biến hơn và thường xảy ra ở người mắc chứng suy giảm trí nhớ hoặc Alzheimer, hoặc người không có thói quen sinh hoạt ban ngày đều đặn.
- Rối loạn nhịp ngủ – thức không kéo dài 24 giờ: Người mắc loại rối loạn này có đồng hồ sinh học hoạt động lâu hơn 24 giờ, làm thời gian ngủ và thức dậy không nhất quán. Điều này có thể xảy ra do yếu tố sinh lý bên trong cơ thể và thường không phụ thuộc vào thói quen hành vi bên ngoài. Người mù và người thiếu tiếp xúc với ánh sáng buổi sớm thức dậy có nguy cơ cao hơn mắc rối loạn này.
- Jet lag: Jet lag là một loại rối loạn giấc ngủ phổ biến ở người thường xuyên du lịch qua các múi giờ khác nhau, ví dụ như tiếp viên hàng không và phi công. Triệu chứng chính bao gồm buồn ngủ quá sớm hoặc thức dậy vào nửa đêm và có thể đi kèm với tiêu chảy, táo bón và đau bụng.
Để giảm thiểu tác động của rối loạn nhịp sinh học, bạn có thể thực hiện các biện pháp như tiếp xúc với ánh sáng vào buổi sáng, tránh thức khuya, tập thể dục đều đặn và hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa caffeine trước khi đi ngủ.