Theo một nghiên cứu về Giấc ngủ và sức khỏe tinh thần của trường Y Harvard được đăng vào cuối tháng 8 năm 2021, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể gặp những hậu quả tiêu cực do thiếu ngủ. Thực tế cho thấy, các vấn đề về giấc ngủ ảnh hưởng đến 50-80% bệnh nhân đang điều trị sức khỏe tâm thần.

Chất lượng giấc ngủ có tác động lớn đến tinh thần. Thiếu ngủ làm giảm khả năng hoạt động trong cuộc sống và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp vấn đề như rối loạn giấc ngủ. .

Mối quan hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần là phức tạp. Tình trạng sức khỏe tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn ngược lại.

Tăng động giảm chú ý gây rối loạn giấc ngủ

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gặp khó khăn về giấc ngủ như khó ngủ, khó thức dậy và buồn ngủ vào ban ngày. Các chuyên gia cũng cho rằng các vấn đề về giấc ngủ có thể tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng giống như tăng động giảm chú ý. Cải thiện giấc ngủ có thể giảm độ nghiêm trọng của các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung.

Rối loạn lo âu làm rối loạn giấc ngủ

Nghiên cứu đăng trên J Am Acad Child Adolesc Psychiatry năm 2014 cho thấy, người bệnh gặp các vấn đề về giấc ngủ, như ngủ không yên giấc hay khó đi vào giấc ngủ, sẽ bị tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần phổ biến, bao gồm cả rối loạn lo âu.

rối loạn giấc ngủ
Rối loạn lo âu dẫn đến rối loạn giấc ngủ

Rối loạn phổ tự kỷ dẫn đến rối loạn giấc ngủ

Trẻ em và người lớn bị rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc ngủ. Những vấn đề liên quan đến giấc ngủ có thể dẫn đến tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ. Ngoài ra, một số bất thường di truyền có thể ảnh hưởng đến hệ thống giấc ngủ trong não và đóng góp vào việc gây ra các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ.

Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng giấc ngủ

Rối loạn lưỡng cực là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, chu kỳ ngủ và thức không đều, gặp ác mộng.

Trầm cảm là hệ quả của mất ngủ

Bạn có biết, những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp đôi so với những người không gặp vấn đề này. Ở chiều ngược lại, nghiên cứu năm 2011 ở Mỹ cũng cho kết quả rằng thiếu ngủ là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm.

Rối loạn tâm lý theo mùa có liên quan chứng mất ngủ

Mặc dù nguyên nhân chính xác của vấn đề này chưa được làm rõ nhưng rối loạn cảm xúc theo mùa được cho là có liên quan đến những thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể. Ít ánh sáng mặt trời hơn trong mùa đông có thể thay đổi chu kỳ thức và ngủ của chúng ta.

Tâm thần phân liệt làm gián đoạn giấc ngủ

Giấc ngủ bị gián đoạn có mối liên hệ chặt chẽ với tâm thần phân liệt. Nó thường được coi là một dấu hiệu ban đầu trước khi bệnh khởi phát, đặc biệt là đối với những người bị tâm thần phân liệt. Các nghiên cứu đã báo cáo rằng tới 80% những người mắc tâm thần phân liệt cũng gặp vấn đề về giấc ngủ.

Những người bị vấn đề về sức khỏe tâm thần cần hạn chế việc ngủ trưa, thiết lập thói quen đi ngủ hàng đêm, tránh uống caffeine hoặc sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ, tắt các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, và kiểm soát hành vi về nhận thức để đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận