World Cup 2022 đã kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều giải đấu hấp dẫn cùng những đêm thức mòn, cuồng nhiệt cổ vũ bóng đá. Đa phần các fan đều “ăn ngủ cùng trái bóng” nên bị thiếu ngủ trong mùa World Cup vừa qua, trong đó có cả những người bệnh tiểu đường. Với người bình thường, thiếu ngủ đã rất mệt, thế nhưng ở người bệnh tiểu đường, thiếu ngủ thực sự đáng lo ngại.
Khi xem xong bóng đá, do tinh thần đang rất phấn khích, khiến não bộ hoạt động nhanh hơn và khó có thể thư giãn sau đó nên rất khó để ngủ được ngay. Tình trạng này khiến nhiều người tiểu đường than phiền gặp những rắc rối về giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc và hay thức giấc giữa đêm. Thực tế lâm sàng cho thấy, mức đường huyết dao động vào ban đêm sẽ khiến người bệnh tiểu đường khó ngủ. Nguyên nhân do lượng đường trong máu quá cao sẽ dẫn đến chứng tiểu đêm nhiều lần, làm gián đoạn và giảm chất lượng giấc ngủ. Ở chiều ngược lại, khi đường huyết hạ đột ngột, người bệnh sẽ đổ mồ hôi, run người vào ban đêm nên khó mà ngủ ngon. Với bệnh nhân tiểu đường thì giấc ngủ cũng quan trọng như chế độ ăn uống. Khi gặp vấn đề về giấc ngủ, người bệnh thường ở trong trạng thái mệt mỏi, thiếu tỉnh táo và có thể khiến đường huyết tăng vọt, làm bệnh tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.
Thiếu ngủ cũng là yếu tố góp phần làm thay đổi sự cân bằng của hệ thống hormon trong cơ thể, làm tăng tình trạng đề kháng insulin, khiến cho cơ thể người bệnh luôn mệt mỏi, thiếu năng lượng để hoạt động. Theo cơ chế khoa học, lúc đó cơ thể có xu hướng bù đắp lại lượng calo bị thiếu hụt bằng cách thúc đẩy ăn nhiều hơn, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, từ đó lại gây khó ngủ và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Đây là một vòng luẩn quẩn mà hầu hết người bệnh tiểu đường đều mắc phải.
Người bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì giấc ngủ tốt và đầy đủ để giúp cơ thể ổn định đường huyết và tránh các biến chứng liên quan đến tiểu đường. Để xem bóng đá mà không bị thiếu ngủ, người bệnh tiểu đường có thể áp dụng một số giải pháp sau:
- Xem trận đấu vào các thời điểm phù hợp: Tránh xem trận đấu vào giờ khuya hoặc rạng sáng, đảm bảo đủ giấc ngủ tối thiểu 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Điều chỉnh thói quen ngủ: Thay đổi thói quen ngủ của mình, bao gồm thời gian ngủ và thức dậy, để tạo ra một thói quen ngủ tốt.
- Giảm thiểu tác động của ánh sáng xanh: Tránh sử dụng điện thoại, máy tính hoặc TV trước khi đi ngủ để giảm thiểu tác động của ánh sáng xanh đến giấc ngủ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh ăn đồ nặng trước khi đi ngủ, đồng thời cân nhắc các thực phẩm có thể giúp tăng cường giấc ngủ như thực phẩm giàu chất cholin (như trứng, sữa chua, đậu tương).
- Tập luyện thể thao đều đặn: Tập luyện thể thao đều đặn giúp cơ thể tạo ra các chất hoocmon giúp giảm căng thẳng và giúp ngủ ngon hơn.